Nội dung trang

Giới thiệu

Trao đổi liên quan đến vấn đề phát triển đô thị của Việt Nam theo hình thức PPP với Ban điều hành Hội đồng dự án sinh thái nước ngoài (J-CODE)

(PPP) Sáng 29/06/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Phòng Hợp tác công tư – PPP) đã có buổi trao đổi cùng Đoàn làm việc của Ban điều hành Hội đồng dự án sinh thái nước ngoài (J-CODE) với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Tài nguyênvà Môi trường cùng đại diện các đơn vị: Ban Quản lý Đường sắt Đô thị, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Theo lời đề nghị của J-CODE, Phòng Hợp tác công tư đã có buổi làm việc cùng Đoàn công tác của J-CODE về các vấn đề liên quan đến việc xúc tiến các dự án phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng theo hình thức đối tác công tư PPP.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng 29/06

Dự án phát triển đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP tại TPHCM nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm hơn tới việc tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực phát triển đô thị tại Việt Nam. Năm 2016, J-CODE đã thực hiện “Khảo sát việc hình thành các dự án phát triển đô thị tại Việt Nam” thông qua cuộc khảo sát của Bộ Đất đai, Hại tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Trong cuộc khảo sát, J-CODE cho biết đã tập trung tìm kiếm các dự án phát triển đô thị bao gồm các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng của dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 3 TPHCM đang xây dựng; song song với việc xem xét phương pháp hợp tác trong tương lai giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển đô thị và quy hoạch đô thị.

Về vấn đề này, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết Sở Quy hoạch - Kiến trúc ủng hộ quan điểm phát triển đô thị sinh thái tại TPHCM của phía J-CODE do các ưu điểm về tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi môi trường, khí hậu. Tuy nhiên, khi phát triển đô thị cần phải kết nối đồng bộ với giao thông công cộng.

Phía J-CODE mong muốn thực hiện thí điểm dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD đầu tiên tại TPHCM.

Đoàn làm việc của J-CODE đã đưa ra danh sách gồm 20 vị trí khu đất tại TPHCM mà J-CODE xem xét thấy có khả năng thực hiện dự án thí điểm theo mô hình TOD. Chi phí xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) là rất tốn kém nên cần tối đa hóa lợi ích từ hệ thống này thông qua việc phát triển đô thị gắn kết. Hiện nay, phát triển đô thị theo mô hình TOD – gắn với các tuyến ĐSĐT mang lại lợi ích to lớn trong phát triển đô thị như giảm ùn tắc giao thông, khai thác ĐSĐT hiệu quả hơn thông qua việc tăng lượng khách, sự hài lòng của hành khách với giao thông công cộng nhằm khuyến khích người dân sử dụng giao thông cộng cộng, tạo thêm các lợi ích kinh tế,… Trong những năm gần đây, Hà Nội và TP.HCM cũng đã có những quan tâm, triển khai các chương trình, hợp tác quốc tế nghiên cứu phát triển đô thị gắn kết theo mô hình TOD, đưa định hướng phát triển gắn kết theo mô hình TOD vào trong các đồ án quy hoạch, gần đây nhất tại TPHCM có thể kể đến Hỗ trợ đặc biệt thực hiện dự án (SAPI) cho dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (đoạn Bến Thành – Suối Tiên). Do đó, sự quan tâm của J-CODE đối với việc thực hiện thí điểm dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD đầu tiên tại TPHCM là một tín hiệu đáng mừng, phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Thành phố.

Quy hoạch hệ thống ĐSĐT tại TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn 2030

(Nguồn: PADDI)

Ngoài ra, đồng chí Phạm Thị Thu Hà - Tổng Cục Quản lý đất đai và đồng chí Trần Thị Giang Hương - Cục Quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên môi trường trong buổi làm việc cũng đã có thảo luận với Sở về đề xuất mới của J-CODE liên quan đến vấn đề phát triển đô thị tại TPHCM theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BT. Theo đó, trong phương án giải phóng mặt bằng khi thực hiện một dự án phát triển đô thị theo hình thức PPP - hợp đồng BT, người dân ở khu vực quy hoạch dự án có thể được đền bù giải phóng mặt bằng tại chỗ sau khi dự án hoàn thành. Tuy nhiên, diện tích đền bù sẽ giảm đi so với hiện trạng mặt bằng của mỗi hộ dân trước đó do sau khi dự án được thực hiện, giá trị sử dụng đất và môi trường sống tại khu vực dự án sẽ tăng cao. Phương án đền bù giải phóng mặt bằng như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, góp phần hạn chế việc chậm tiến độ thực hiện dự án BT do khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Mô hình LR liên quan đến vấn đề phát triển đô thị tại Nhật có thể được áp dụng nhằm góp phần giải quyết vướng mắt trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án BT.

Theo kết luận của buổi họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục trực tiếp làm việc với các cơ quan liên quan về các đề xuất nêu trên của J-CODE.

- Phòng Hợp tác công tư, 06/2017 -